Chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
HAI MƯƠI NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG...


   Nằm ở phía nam thành phố, sát đường quốc lộ 4E, thuộc địa phận thôn Xi măng 2, xã Cam Đường là trường THPT bán công số 2, nay là trường THPT số 4 thành phố Lào Cai. Năm nay, trường kỉ niệm sinh nhật lần thứ 20. Hai mươi năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ chứng minh những bước đi vững chắc của thầy và trò nhà trường trong công cuộc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương.

Tháng 10 năm 1999, trước nhu cầu nguyện vọng được học tập của nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định thành lập trường bán công với tên gọi: Trường THPT bán công thị xã Cam Đường. Vạn sự khởi đầu nan với muôn vàn khó khăn, trường sử dụng chung địa điểm, cơ sở vật chất với trường THPT thị xã Cam Đường. Những ngày lễ hội phải tiến hành vào buổi chiều, kể cả ngày khai giảng và tổng kết năm học. Cả trường chỉ có 4 lớp 10 với tổng số 143 học sinh. Tổng số cán bộ nhân viên trong trường là 7 người. Không có phòng hội đồng, phòng thí nhiệm, thư viện, sân bãi.... Tất cả đều phải nhờ, phải mượn trường THPT thị xã Cam Đường. Nhưng đó chưa phải là điều cơ bản, khó khăn nhất là mô hình trường bán công không được nhân dân đồng thuận và ủng hộ. Cùng chung một cầu thang nhưng hai hệ khác nhau, hai loại hình khác nhau, giáo viên, phụ huynh và học sinh không tránh khỏi nỗi tủi hờn mặc cảm. Công tác tuyển sinh gặp vô vàn khó khăn, rất nhiều gia đình không muốn cho con theo học trường bán công vì sợ môi trường xấu, sợ học phí, và sợ con xấu hổ. Bởi vậy, dù có tuyển sinh được cũng không thể giữ học sinh đến lớp, số học sinh bỏ học ngày càng nhiều, có lớp số lượng giảm đến một nửa.

Trước những khó khăn đó, thầy giáo Nguyễn Hồng Kiêm, Hiệu trưởng nhà trường đã họp và phân tích cụ thể tình hình đặc điểm nhà trường để đề ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh của tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải tích cực tuyên truyền những ưu điểm của loại hình trường bán công đến với phụ huynh học sinh để phụ huynh nhận thức rõ: con em họ dù không đủ điều kiện vào trường công lập nhưng đã có một ngôi trường tốt sẵn sàng đón nhận các em. Vai trò của Đoàn thanh niên và các tổ chức trong nhà trường được phát huy cao độ dù mỗi môn chỉ có một cô giáo. Có cô phải dạy kê nhiều môn, nhiều buổi, các buổi sinh hoạt chuyên môn thường kết hợp sinh hoạt với tổ chuyên môn của trường công lập. Có nhiều buổi phải tổ chức vào buổi tối. Khóa học sinh đầu tiên của trường tốt nghiệp đạt tỉ lệ 59% nhưng năm sau đã đạt 76%. Đây là bước tiến đầu tiên của trường.

Đầu năm 2004, sau 5 năm thành lập, đội ngũ cán bộ giáo viên có sự thay đổi lớn. Thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Kiêm bị ốm nặng, phải điều trị dài ngày, cô phó hiệu trưởng Trần Thị Minh Hường chuyển về Hà Nội, hai cô giáo biên chế chuyển công tác sang trường công lập, kế toán và thủ quỹ cũng chuyển trường. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên thì hai đ/c Tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn và tổ chức Đoàn thanh niên phải thay nhau trực trường, bám trường bám lớp, ổn định và duy trì nền nếp học tập. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng ngay sau đó, cấp trên đã kịp thời bổ nhiệm hai cán bộ quản lí là cô Nguyễn Thị Hiền và thầy giáo Vũ Xuân Tịnh, đồng thời bổ sung hai nhân viên Kế toán và thủ quỹ cho trường. Từ giai đoạn này, nhà trường đã có nhiều bước tiến thận trọng và vững chắc. Được sự quan tâm của Sở và lãnh đạo địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư. Lần đầu tiên cố tấm biển trường – một tấm biển nhỏ bé mang tên Trường THPT bán công số 2 khiêm tốn đứng bên cạnh chiếc cổng trường kiên cố, hoành tráng của trường công lập. Số phòng học được phân chia cụ thể và được bổ sung thêm 3 phòng học nhà cấp 4. Từ đây, trường đã có phòng Hội đồng, có thư viện riêng và quan trọng nhất là có thêm phòng học để bồi dưỡng học sinh yếu.

Nhận rõ những cơ hội và thách thức, lãnh đạo nhà trường đã khẳng định: trước hết phải xây dựng nội quy học sinh chặt chẽ hơn để tăng cường kỉ cương nền nếp. Đội cờ đỏ được duy trì, bổ sung và tích cực hoạt động. Lần đầu tiên, học sinh được may đồng phục và được gửi xe đạp vào lán xe của trường. Học sinh nghỉ học phải có Cha, mẹ đên  gặp BGH để xin phép. Chính điều này đã hạn chế tối đa tình trạng nghỉ học, bỏ giờ của học sinh. Các thầy cô giáo được giao chỉ tiêu về số lượng, chất lượng nên ai cũng phải nỗ lực phấn đấu, phải có những biện pháp cụ thể để khuyến khích học sinh tích cực đến trường và tích cực học tập. Các hoạt động chuyên môn được chú trọng thường xuyên và có chiều sâu. Công tác mũi nhọn được tăng cường đầu tư. Các đội tuyển tham gia bồi dưỡng HSG được duy trì đều đặn. Năm 2008 đã có giáo viên tham gia Hội giảng cấp Tỉnh và đạt giải. Đây là thành tích lớn nhất của trường được ghi nhận. Cũng năm đó, nhà trường có 2 học sinh đạt giải Ba trong kì thi chọn HSG cấp Tỉnh. Thành tích này đã góp phần không nhỏ vào phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của trường.

Ngoài nhiệm vụ chính, các hoạt động ngoại khóa cũng được chú trọng để phát huy cao độ tính chủ động sáng tạo của các em như TDTT, hội diễn văn nghệ. Đáng kể nhất là đêm hội trại năm 2007 với chủ đề Tiếp lửa truyền thống và đêm hộc diễn văn nghệ Người bắc cầu Kiều sang sông đã tạo được tiếng vang lớn. Có thể nói chính các hoạt động trên đã cổ vũ, tác động tích cực cho hoạt động dạy và học của nhà trường. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường không ngừng được ổn định và nâng cao, có năm đạt 91,5%. Trường bắt đầu có học sinh thi đỗ Đại học, Cao đẳng. Điều quan trọng nhất là các em học sinh đã khẳng định được năng lực của mình, thêm gắn bó với ngôi trường mình đã chọn. Ngày khai trường đã không còn những cử chỉ cúi đầu mặc cảm mà thay vào đó là niềm vui, niềm hứng khởi.

Niềm vui càng được nhân lên trọn vẹn khi trường được chuyển sang loại hình công lập và được đổi tên thành trường THPT số 4. Đó là mùa thu năm 2009, cơ sở vật chất được bổ sung đầy đủ, đội ngũ giáo viên được kiện toàn, học sinh được học 1 ca, trường được tiếp quản cơ sở vật chất của trường THPT số 2 thành phố Lào Cai. Có thể nói từ giai đoạn này, trường chuyển mình bước sang một trang mới. Tập thể sư phạm là một khối thống nhất quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Kỉ cương, nền nếp được duy trì và ổn định. Các hoạt động giáo dục toàn diện được chú trọng nhằm phát huy phẩm chất và năng lực cho học sinh. Tỉ lệ tốt nghiệp nhiều năm được duy trì 100%, tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng cũng ngày càng được nâng cao.

Năm nay, hướng tới kỉ niệm 20 năm thành lập, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể đến các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Ngay từ đầu năm học, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã đăng kí chỉ tiêu phấn đấu, các phong trào thi đua đã được triển khai tạo nên một không khí thi đua sôi nổi quyết tâm đạt nhiều thành tích cao nhất để mừng sinh nhật lần thứ 20.

Hai mươi năm, thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để ta kịp nhận ra những đổi thay đáng kể trong cuộc đời. Với trường THPT số 4 thành phố Lào Cai, những thành tích dạt được trong suốt thời gian qua đã khích lệ và tạo động lực phấn đấu cho tất cả chúng ta. Với những bước tiến đó, chúng ta có quyền hi vọng về một tương lai không xa, trường THPT số 4 sẽ là một ngôi trường vững mạnh về mọi mặt, trở thành một địa chỉ đáng tin cậy ở phía nam thành phố Lào Cai.